“Con hát không hay, nếu không muốn nói là dở” - mẹ tôi nói vậy. Và tôi tin mẹ.
Tôi rất ngại những buổi giao lưu văn nghệ và hiếm khi xuất hiện trong các giờ sinh hoạt tập thể của đoàn trường. Tuy vậy tôi vẫn rất thích hát, tôi thường lặng lẽ hát khi ở nhà một mình, khi đi trên đường và… trong nhà tắm. Tôi tưởng tượng cảnh mọi người khi nghe tôi hát sẽ cười vào mặt tôi và nói rằng tôi là thảm họa âm nhạc, thật kinh khủng. Vậy nên, tôi chỉ hát khi nào có một mình tôi thôi. Đôi khi tôi thấy mình hát hay, nhưng tôi biết đó là cách suy nghĩ của một kẻ hát dở tệ. Một lần, trong tiết sinh hoạt lớp cuối năm, văn nghệ rùm beng, cả lớp nhốn nháo bảo lớp trưởng lên đóng góp một bài, lũ bạn lôi tôi lên bục giảng, sau một hồi từ chối không được… thế là tôi bất đắc dĩ phải “cất tiếng ca”. Tôi nghĩ thầm: “Thôi thì ta ca một lần cho bọn nó tởn không dám bắt mình ca nữa, dù sao xong lần này là mình sẽ trốn đi nghỉ hè ở… Mỹ Tho mất tiêu rồi.” Tôi hát bài ruột của mình, một bài hát nói về học sinh của ca sĩ thần tượng mà tôi mê mẩn. Tôi không biết nó dở đến mức nào, tôi nhắm mắt trong lúc hát và không gian im lặng đến lạ lùng. Tôi sợ người ta biết tôi hát dở (mà thực tế là nó đã thế rồi)… Rồi thì bài hát cũng đến hồi kết thúc, tôi bước xuống, bạn bè chúng nó cười khoái chí làm tôi đỏ bừng mặt? Tôi chẳng hiểu gì cho đến khi cô giáo dạy âm nhạc – một trong số những giáo viên dự buổi sinh hoạt lớp tôi hôm ấy – đến bên tôi và nói rằng: “Cô muốn mời em hát bài này trong buổi lễ tổng kết của trường, em hát hay lắm!”.
Hiện nay tôi đang là thành viên tích cực trong đội văn nghệ của trường. Tôi đã không biết rằng mình có thể hát, và hát hay, chỉ vì tôi đã tin như vậy, suốt ngần ấy năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét