Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Chiều cuối năm


  Một chiều cuối năm buồn như màu tím của cánh hoa bằng lăng nở muộn bên ô cửa phủ đầy tuyết trắng. Giá rét. Cóng. Lặng lẽ nhìn đời bằng đôi mắt xa xăm, nhìn mọi thứ thật xa lắm, tựa như không với tay tới nỗi. Tôi bước đi trên con đường từ nhà đến trung tâm thị trấn, rồi lại bước về, như kẻ lữ hành bị kẹt lại giữa phố thị đông chật người. Hạnh phúc có lẽ vẫn ẩn ấp ở nơi nào đó khuất lấp quá, để ta kiếm tìm nhưng chẳng thấy. Từng giọt đông nhè nhẹ rơi tí tách, thật chậm, thật khẽ như tiếng rơi của giọt cà phê trên phin. Cuộc sống quả đắng như vị của cà phê vậy, người nào chưa biết uống sẽ chẳng thể nào nhấm nổi. Nhưng rồi con người ta vẫn phải tìm đến cà phê, tập quen với cà phê, thậm chí là nghiện cà phê bởi lẽ chính cái vị đắng của nó tạo nên những ngọt ngào trong từng giọt ta nếm thử. Từng giọt, thật chậm. Cuộc đời giống như một chiếc phin cà phê nhỏ chậm. Thưởng thức nó cũng vậy, phải thật bản lĩnh, từ tốn mới đủ nhấm nháp cái dư vị của nó. Lắm lúc thấy mình như cánh chim chao lượn ở một chân trời không có người, chốn xa ấy cô đơn biết nhường nào, đến nỗi hoa chẳng buồn nở trên cánh đồng rộng lớn. Đi tìm hạnh phúc giữa một mớ những bạt bẽo, dối trá, bộn bề, tấp nập, tìm bình yên giữa ồn áo náo nhiệt bão tố, tìm một nơi để nghỉ ngơi giữa dòng sông mải miết không ngừng chảy. Ngoài kia, xe cộ vẫn nối nhau từng đàn từng hàng, có biết đâu nơi chốn nghỉ lại, có biết đâu trạm nào để tắt máy?
     Ba trăm sáu mươi lăm ngày nhanh như mới hôm qua, giật mình mười bảy buổi chiều cuối năm đã trôi qua như thế. Không nghĩ suy không lo lắng phiền muộn. Không có một phút bất thần thừ người ra như vừa tỉnh cơn ác mộng. Mọi thứ, ngỡ chỉ là giấc mơ. Hôm nay, tôi thử nhấm cà phê, đắng thật. Vị của nó đắng hơn sữa milô rất nhiều, nhưng cũng lại nồng nàn hơn rất nhiều. Biết đâu, ngày mai ta mới cảm nhận được vị ngọt của nó, một vị ngọt rất nhẹ còn sót lại khi mọi cay đắng đã phai nhạt trôi xa mãi. Chỉ còn lại là chút gì ấm áp đủ sưởi cho một cơn say vừa bừng tỉnh giữa mùa đông lạnh buốt.
     Chiều cuối năm, những chuyến tàu vẫn chạy, mang muộn phiền lùi xa vào dĩ vãng, chở hy vọng và niềm tin đi tiếp. Đường ray dài ngoằn kia vẫn im lìm nằm lặng lẽ chờ yêu thương ngang qua. Con tàu vẫn sáng một màu dù không rực rỡ chói lòa như thứ pha lê lấp lánh vẫn thanh thoát dịu nhẹ đủ sức soi đường phía trước. Chiều cuối năm, lòng vẫn hỗn độn những mộng mị hôm qua chưa thể nào nguôi hết. Ú ớ cơn mê như người mộng du bước lãng đãng trong vô thức. Cuộc sống vẫn vô tình bước qua nhau như chưa hề gặp mặt. Ôi thời gian, có bao giờ nghỉ chân nán lại, cho người đuổi kịp? Nó vẫn thản nhiên nhảy từng nấc từng nấc không kịp đếm. Mà nào có ai hay, rằng đôi khi con người ta vẫn thường đối xử với nhau như thế.
     Cuộc đời vốn bạt bẽo lại gấp gáp vội vàng chạy đua nhau. Sống có bao lâu mà bon chen. Ai rồi cũng sống một cuộc đời. Mà cuộc đời đó trọn vẹn hay dang dở, chậm chạp hay hối hả, rực rỡ hay mờ nhạt, buồn tẻ hay hạnh phúc lại do chính thái độ sống của mỗi người, mỗi cá nhân, trong một tập thể rộng lớn, trong một thế giới đầy rẫy bất công, phí lý, xót xa, và cũng thật đầy niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc. Người ta cứ tất bật trong cái thế giới vô bờ ấy, nào ngờ một ngày quay mặt nhìn lại, đã là ai chẳng phải chính mình, chẳng phải một bản thể như mình luôn hướng về.
     Đời như bản nhạc có nốt thăng nốt trầm, lắm lúc trầm còn thêm giáng cho tuột khỏi khuôn nhạc năm dòng kẻ. Nhưng chẳng bản nhạc nào hay nếu thiếu một vài nốt thấp, một vài nốt giáng, một vài nốt nằm bên lề khuôn khổ, và một vài khoảng lặng. Người nhạc sĩ giỏi chẳng muốn đặt vào ô nhạc của mình toàn những nốt cao sát bên nhau, bởi anh ta rõ biết rằng chỉ khi nào đặt sau nốt trầm, nốt cao mới phát rõ âm thanh của nó, rõ một, không lầm lẫn, không hề hòa trộn hay pha tạp. Đặt vào đó tất cả ân tình, thái độ nhiệt huyết, tích cực, cả trách nhiệm nữa. Bản nhạc cuộc đời hoàn chỉnh dần sau mỗi lần chúng ta thành công hay thất bại, vấp ngã hay hụt hẫng, và sau mỗi lần chúng ta vươn dậy, bằng trách nhiệm và ý chí. Bản nhạc ấy vang lên khi chúng ta suy tư lắng đọng lòng mình ở lại với những kỉ niệm, trong một buổi chiều yên tĩnh, như những buổi chiều cuối năm. “Chẳng có chiến thắng nào lại không phải trả giá bằng máu và nước mắt”. Hãy mạnh mẽ để khi cuộc sống ném vào ta vài viên sỏi đến u đầu bể trán, thì vẫn còn đủ sức đứng dậy đi tiếp, để lỡ ngày mai mọi thứ chìm vào bóng tối, thì vẫn đủ dũng cảm biến mình thành ngọn lửa soi đường.
     Chẳng ai có thể hoàn hảo được trong cuộc đời, khát vọng vươn tới sự hoàn hảo chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố. Đôi lúc nó gây nên những đau thương trên thế giới này. Ai đó đã nói: “ Người hoàn hảo nhất là người giúp ích cho người khác nhiều nhất”. Vậy đó, mọi đau đớn, tàn nhẫn, thù hận tự nó sinh ra rồi tự nó phải chết, chỉ còn tình yêu thương, lòng vị tha tồn tại như những gì bất diệt nhất kéo con người lại gần nhau hơn. Khi mà sự khác biệt về ngôn ngữ, giai cấp, giàu nghèo, nghề nghiệp, màu da,… đều bất lực nín bặt trước tình yêu thương. Khi mà mọi rào cản đều bị xóa bỏ, chỉ còn con người với con người, đúng nghĩa.

    Suy tư chiều cuối năm, tôi viết trong vô thức, có thể là trong một trạng thái “ở một độ rung chuyển khác thường”, khi mọi thứ đã không còn chuồi theo thói quen viết thường ngày, cảm xúc hoàn toàn tự do không bó buộc, đan xen nhau không theo bất kì một lề lối trong bất kì khuôn khổ nào. Nên có vẻ như rất lộn xộn phi logic. Lãng đãng trong đầu vẫn còn nghẹn lại những cay đắng hôm qua, nhưng rồi cũng theo gió ngàn trôi mãi, trôi đi chẳng biết khi nào gặp lại, bỏ lại đây những con chữ rơi dần trên trang giấy trắng. Giật mình vài lần chẳng biết vì điều gì. Ngày mai năm mới rồi! Chúc tất cả may mắn và tràn đầy niềm vui.
-Duyên Trần 

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nghị luận về việc "nghĩ và nói"

Tôi đã được học rằng: “Giá trị của một con người được thể hiện trong cách ứng xử của họ”. Vâng, có lẽ nhiều người muốn bỏ qua nhưng sự thật là giàu có, học rộng, tài cao… chẳng nói lên được điều gì về con người cả. Chỉ cách ứng xử mới chính là chuẩn mực sống, là thước đo giá trị, bởi vậy, có lẽ những người trẻ như chúng ta ngoài việc học các môn tự nhiên ở trường, còn cần phải học những kĩ năng khác nữa. Trong đó, kĩ năng giao tiếp ứng xử là một “môn học” mà các bạn phải trạng bị thật kĩ trước khi bước vào đời. Có một quan niệm rất hay về cách ứng xử: “Mọi lời nói ra đều phải được suy nghĩ, nhưng không phải mọi điều suy nghĩ đều được nói ra”. Ngày nay, giới trẻ có ứng xử như vậy không?
Thực tế cho thấy hiện nay nhiều bạn trẻ có cách ứng xử trái ngược với quan niệm trên. Không biết do vô tình hay hữu ý, hay vì cuộc sống hiện tại quá tất bật đã khiến nhiều người nói mà không suy nghĩ. Nói trong lớp học, với bạn bè, gia đình, trong một buổi thảo luận, hay thậm chí là nói trước công chúng, người ta dễ dàng buông ra những câu thiếu suy nghĩ.  Báo giới cũng không ít lần đề cập đến việc giới trẻ, cả những người nổi tiếng hiện nay nói thì nhiều mà suy nghĩ thì ít. Nhiều người cho rằng: “Không suy nghĩ nhiều tức là lời nói thật”. Quả là một sai lầm lớn, lời nói mà gây ra nhiều hậu quả và bắt nguồn từ sự thiếu chín chắn trong giao tiếp của bạn thì có được gọi là “nói thật”?
Đây quả là cách ứng xử sai lệch, những người nói mà không suy nghĩ thường cảm thấy xấu hổ về việc họ đã nói như vậy khi đã suy nghĩ thấu đáo hơn. Nói mà không suy nghĩ cho thấy một con người còn non trẻ, và trong giao tiếp đó là thể hiện của sự thô lỗ, bất lịch sự. Khi không suy nghĩ, phần lớn là nói sai, làm cho người tiếp nhận cảm thấy khó chịu hoặc họ sẽ đánh giá người nói là thiếu chín chắn. Những lời nói không suy nghĩ thường làm hỏng việc và làm căng thẳng hơn các mối quan hệ xã hội.
Hãy nhìn đi, tất cả những người thành công trên thế giới này đều có một kĩ năng giao tiếp khôn khéo và bộ óc lanh lợi để suy nghĩ kĩ trước khi họ sắp thốt ra một lời nào đó. Vậy nên, đừng để mình giống như một đứa trẻ, hãy suy nghĩ kĩ trước khi nói!
Đó là việc “nói”, còn việc “nghĩ”, bạn có thường đi nói với người khác những điều bạn nghĩ không?
“Không phải mọi điều suy nghĩ đều được nói ra”. Quan niệm này rất đúng, tiếc là một số bạn trẻ lại có cách ứng xử ngược lại: nói tất cả những gì mình nghĩ. Không phải lúc nào chúng ta cũng nghĩ đúng, cũng không phải việc gì chúng ta nghĩ là cần phải nói ra. Chỉ đúng khi chúng ta nói lên những suy nghĩ của mình về công việc, về cuộc sống, về những việc chính đáng có liên quan tới mình. Có những suy nghĩ gây ảnh hưởng đến người khác, cũng có những suy nghĩ tế nhị không nên nói. Việc giao tiếp vốn rất khó và phức tạp, nên chúng ta phải học cách giao tiếp phù hợp. Ai cũng khuyến khích chúng ta nói lên những suy nghĩ của mình, nhưng cái gì cũng có giới hạn và đừng đi quá giới hạn đó. Nói tất cả những gì mình nghĩ quả là một tai họa. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đi nói với nhà hàng xóm nơi cất chìa khóa tủ tiền nhà bạn? Ồ không, chắc chắn bạn sẽ thốt lên: “Chỉ có kẻ ngốc mới làm vậy!”. Đúng vậy đó, kẻ nào nói tất cả những gì mình nghĩ là một kẻ ngốc. Những điều bạn nghĩ có thể sẽ làm người khác khó chịu, làm mất lòng nhau, nếu đó là những điều không liên quan tới bạn , bạn sẽ trở thành một người nhiều chuyện. Những điều bạn nghĩ rất nhiều và có cả những bí mật quan trọng của cuộc đời bạn. Vậy đừng bao giờ nói tất cả, hãy chỉ nói lời phù hợp mà thôi.
Hẳn là bạn có nghe nhắc đến tên những cuốn sách nổi tiếng: Mật mã Da Vinci, Bí quyết kinh doanh của Bill Gates, Những điều ít biết về Steve Jobs, Bí ẩn Einstein… bạn thấy đấy, những người thành công vượt trội trên thế giới đều có rất nhiều bí mật chỉ để riêng cho họ, những bí mật thậm chí theo họ xuống tận nấm mồ mà bây giờ người ta vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp. Kĩ năng ứng xử giao tiếp quả là một “môn học” khó, nhưng đó là một môn học cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Hãy học cách suy nghĩ thấu đáo và chỉ nói lời phù hợp, hãy chọn cách sống khôn ngoan để thành công. Những ứng xử sai lệch của một số bạn trẻ hiện nay suy cho cùng cũng do sự thiếu chững chạc, đừng để mình trở thành một kẻ ngốc, một người không biết gì về kĩ năng giao tiếp. Vậy, “Hãy suy nghĩ tất cả những gì bạn nói, nhưng đừng nói tất cả những điều bạn nghĩ”, đó là một triết lí sống mà chúng ta phải tham khảo luôn, hãy là người văn hóa và khôn khéo trong ứng xử.